Xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc

Giữ vững ổn định biên giới quốc gia là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho một quốc gia độc lập, hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, có hiệu quả chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới, vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách kịp thời và có hiệu quả trong việc xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân nhằm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia, đồng thời tạo hành lang pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình mới; động viên các ngành, các cấp và toàn dân tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia là nhiệm vụ then chốt, là quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Quan điểm đó được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa truyền thống lịch sử, tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học về sự tác động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước.

Trong lịch sử hình thành lãnh thổ quốc gia hàng nghìn năm qua, Việt Nam luôn phải đối phó với những thủ đoạn, âm mưu của tư tưởng bành trướng bằng vũ lực để mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam của các nhà nước phong kiến phương Bắc. Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ, các triều đại Việt Nam trong lịch sử: Đinh, Lý, Trần, Lê… luôn chú trọng xây dựng kế sách bảo vệ biên giới - vùng “phên giậu” của đất nước. Vấn đề cốt lõi, nhân cốt của kế sách, phương lược bảo vệ biên giới của ông cha ta suốt hàng nghìn năm giữ nước là dựa vào nhân dân mà trực tiếp là nhân dân, các dân tộc cư trú ở biên giới. Nhà nước phong kiến dựa vào thiết chế chính quyền được thiết lập từ triều đình đến các bộ lạc, tộc trưởng, làng, xã, thôn, ấp nắm địa bàn. Để giữ quan hệ chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, các vua sáng, tôi hiền đã có nhiều biện pháp như: gả công chúa cho các tộc trưởng nơi biên giới, phong quan, tước, cấp đất cho những người đứng đầu các bộ lạc ở biên giới để thu phục nhân tâm, thực thi chính sách “tĩnh vi nông, động vi binh”, thời bình là người nông dân chăm chỉ, khi thời chiến là những chiến binh dũng cảm. Khuyến khích nhân dân sản xuất ổn định cuộc sống, thực hiện chính sách biên viễn “cố kết dòng họ, vỗ về người xa”, phủ dụ nâng niu “vùng biên thùy”, chăm lo cư dân ở biên giới “an cư lạc nghiệp”.

Ngày nay, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh là vấn đề chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy dân làm gốc, dựa vào nhân dân tổ chức và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng trời, vùng biển đảo của Tổ quốc. Xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc đã và đang là những vấn đề được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đặc biệt quan tâm trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư lớn cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội các khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, song đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn. Lợi dụng những khó khăn về đời sống kinh tế của đồng bào vùng biên giới, các thế lực thù địch đã dùng nhiều thủ đoạn thâm độc để gây sự bất ổn trên các tuyến biên giới. Cùng với đó, các hoạt động: buôn bán ma túy, buôn lậu, buôn bán người, vượt biên trái phép, truyền đạo trái pháp luật … gia tăng, gây khó khăn trong quá trình quản lý và bảo vệ biên giới. Do đó, biên giới trên các tuyến đất liền cũng như biển đảo luôn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, gây bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, khu vực biên giới biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đã, đang và sẽ xảy ra nhiều hoạt động tranh chấp ngư trường, khai thác tài nguyên khoáng sản, luôn tiềm ẩn căng thẳng, tạo nguyên cớ cho những tình huống xấu có thể xảy ra.

Từ những kinh nghiệm quý báu trong lịch sử và trước những diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới, biển, đảo, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ mục tiêu cơ bản trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc là: Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện, ổn định lâu dài, hòa bình, hữu nghị, hội nhập và cùng phát triển.

Trên cơ sở mục tiêu cơ bản trên, Đảng và Nhà nước ta xác định rõ các quan điểm về xây dựng nền biên phòng toàn dân: Độc lập dân tộc là trên hết. Lợi ích dân tộc là trên hết. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo quốc gia là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng trời, vùng biển, đảo quốc gia là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của đất nước, là trách nhiệm của toàn dân, của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng.

Tổ chức bảo vệ biên giới quốc gia phải “lấy dân làm gốc”, dựa vào nhân dân, trực tiếp là nhân dân các dân tộc ở biên giới, trên cơ sở nền tảng vững chắc của nền biên phòng toàn dân, xây dựng ý thức trách nhiệm về “biên giới trong lòng dân”, phát huy có hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng, hệ thống chính trị trong quản lý, bảo vệ biên giới, biển, đảo. Giải quyết các vấn đề về lãnh thổ, biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp lý, đàm phán giữa các nước có chung đường biên giới, giữa các quốc gia có chung vùng biển phù hợp Luật pháp quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, dân tộc.

Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc”, đường lối, quan điểm của Đảng trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, BĐBP ngay từ ngày đầu thành lập và trong suốt 58 năm xây dựng và trưởng thành luôn xác định phương châm hoạt động “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, luôn thực hiện “3 bám, 4 cùng”, tích cực chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đề ra những chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực, sát thực tiễn cuộc sống. Trong quá trình quản lý biên giới, đã sử dụng nhiều biện pháp, trong đó cơ bản và cốt lõi là công tác vận động quần chúng.

Để triển khai thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối của Đảng về công tác phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, từng bước nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, BĐBP đã trực tiếp triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức mở các lớp học tình thương; chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho nhân dân trên các tuyến biên giới; hướng dẫn người dân kỹ thuật gieo trồng, tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vận động ngư dân tổ chức các tổ đội tàu thuyền an toàn. Hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Cán bộ khuyến nông quân hàm xanh” luôn là hình ảnh cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo.

Nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo ở các cấp chính quyền, BĐBP đã đưa hàng trăm cán bộ xuống tăng cường cho địa phương, nhiều cán bộ được cán bộ nhân dân tín nhiệm bầu trực tiếp giữ vị trí bí thư, phó bí thư cấp ủy, chủ tịch, phó Chủ tịch cấp xã biên giới.

Bằng những việc làm trên, BĐBP đã góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã tự nguyện cùng BĐBP bảo vệ biên giới và trở thành phong trào đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc.

Bên cạnh đổi mới công tác vận động quần chúng, BĐBP phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân tổ chức cuộc vận động Mái ấm cho đồng bào nơi biên giới hải đảo; phối hợp với Tổng Công ty Viettel triển khai chương trình Bò giống cho đồng bào, nâng bước em tới trường… Cuộc vận động đã xây dựng, làm mới hàng nghìn ngôi nhà, hàng trăm công trình dân sinh, góp phần xóa nhà tạm, nhà tranh, tre, nứa, lá, tạo điều kiện cho đồng bào có chỗ ở, ổn định cuộc sống, khắc phục tình trạng di - dịch cư tự do; cung cấp cho các hộ gia đình trong khu vực biên giới hàng chục nghìn con bò, giúp đồng bào phát triển kinh tế, xã hội, tạo nguồn sinh kế lâu dài.

Hiện tại, BĐBP cũng phối hợp với 13 cơ quan bộ, ngành triển khai các đề án: Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới; Tuyên truyền, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn biên giới, biển đảo… Bên cạnh các hoạt động trên, BĐBP đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng và phát triển mô hình kết nghĩa cụm dân cư; kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới; triển khai chương trình kết nghĩa lực lượng vũ trang bảo vệ biên giới giữa các nước, tạo lòng tin giữa các lực lượng thực thi pháp luật ở biên giới.

Là lực lượng nòng cốt chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc; trước những diễn biến của tình hình trên các khu vực biên giới đất liền, biên giới biển, đảo; BĐBP xác định: nền biên phòng toàn dân là sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và các tiềm lực của đất nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của toàn xã hội, trong đó BĐBP là nòng cốt, chuyên trách nhằm quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Nền biên phòng toàn dân là cơ sở nền tảng của thế trận biên phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ, không thể tách rời với nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc trong tình hình mới, công tác biên phòng cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh. Xây dựng chiến lược bảo vệ biên giới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi đối với các lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, vùng trời, vùng biển đảo của Tổ quốc; tiếp tục triển khai, nghiên cứu bổ sung các chủ trương, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Thống nhất nhận thức nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trước những diễn biến phức tạp hiện nay.

Thứ hai, xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở biên giới, biển, đảo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo. Xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở biên giới, biển, đảo là vấn đề quan trọng, chiến lược, có tính quyết định để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, tạo cơ sở vững chắc cho phát huy sức mạnh toàn dân, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Trước hết, cần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh toàn diện, bảo đảm đủ sức lãnh đạo, động viên quần chúng hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới. Nắm vững tình hình địa bàn, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở, lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới thực sự vững mạnh về tổ chức, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về chuyên môn, là đội quân công tác, đội quân chiến đấu, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới; đưa họ vào giữ các vị trí công tác: Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an xã, Xã đội trưởng, Trưởng thôn giáp biên, đồng thời có biện pháp bảo vệ cán bộ, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới, không để địch lợi dụng móc nối, lôi kéo.

Thứ ba, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện; vững mạnh về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ chiến sĩ cũng như trong đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới về ý thức trách nhiệm trong tiến hành và triển khai công tác biên phòng, xây dựng nền biên phòng toàn dân trở thành thế trận biên phòng trong lòng dân. Đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hệ thống cột mốc, dấu hiệu đường biên giới.

Thứ tư, thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực thúc đẩy và phát huy mọi tiềm năng sẵn có ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.Thực hiện có hiệu quả định canh, định cư, tạo sự phân bố dân cư hợp lý làm lực lượng tại chỗ cho nền biên phòng toàn dân. Tiếp tục tiến hành rà soát, phá bom mìn ở những vùng có chiến tranh trước đây để đồng bào trở lại sinh sống, canh tác, di dân ra khỏi những vùng lũ quét. Quy hoạch các công trình quốc gia đến những nơi thuận lợi về đất đai, nguồn nước và các điều kiện bảo đảm khác để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài. Việc đầu tư phải đồng bộ, tập trung huy động được các nguồn vốn, tạo điều kiện cho đồng bào từ sống du canh, du cư, chuyển sang nghề trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lương thực, chăn nuôi, làm kinh tế vườn đồi. Hướng dẫn đồng bào biết cách làm vào sản xuất, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu, tập quán sản xuất của đồng bào.

Thứ năm, xây dựng "thế trận lòng dân", tạo nền tảng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Nghị quyết Đại lần thứ X, XI của Đảng chỉ rõ: "Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc"(1), khơi dậy, quy tụ và phát huy chính trị - tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân trong quản lý bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia. “Tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả tiềm lực và thế trận; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững mạnh; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc”(2). Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật giữ nước, chống ngoại xâm của dân tộc, phản ánh sâu sắc bản chất, sức mạnh của nền biên phòng toàn dân gắn với lực lượng, thế trận của nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân của nước ta thời kỳ mới.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề về biên giới, vùng biển, đảo, tạo môi trường ổn định, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác biên phòng với các nước; tăng cường công tác đối ngoại biên phòng trên tinh thần vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên trì giải quyết các vấn đề biên giới bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích giữa các nước, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Chủ động chuẩn bị các phương án, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Tranh thủ mọi quan hệ, mọi thời cơ, điều kiện thuận lợi để xúc tiến và thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề về bảo vệ biên giới, lãnh thổ quốc gia. Trong quan hệ với các nước cần phát huy yếu tố tương đồng, nhu cầu về sự ổn định phát triển của mỗi nước để thương lượng, nhân nhượng lẫn nhau.

Tăng cường trao đổi, hiệp đồng với các lực lượng quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, vùng trời, vùng biển, đảo trên cơ sở các hiệp định, quy chế, thoả thuận đã được ký kết giữa các bên để tuyên truyền, phát triển quan hệ hữu nghị, chủ động gặp gỡ giải quyết các vấn đề phức tạp đã xảy ra, không để căng thẳng kéo dài, gây xung đột vũ trang.
Đăng bởi: Lê Quang Phương

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG SỰ LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC, TÔN GIÁO CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH_TranSung

NHỮNG GAM MÀU ĐẬM, NHẠT CỦA CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” CHỐNG PHÁ VIỆT NAM_TranSung

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG MẶT TRẬN VIỆT MINH - NHÂN TỐ CƠ BẢN TẠO NÊN SỨC MẠNH CHÍNH TRỊ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM