TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG MẶT TRẬN VIỆT MINH - NHÂN TỐ CƠ BẢN TẠO NÊN SỨC MẠNH CHÍNH TRỊ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh ta thấy, một trong những tư tưởng chiến lược, xuyên suốt trong toàn bộ hành trình cách mạng vĩ đại của Người là xây dựng khối đoàn kết dân tộc. Tư tưởng đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh không chung chung trừu tượng mà rất cụ thể, gắn liền với công cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra kết luận: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Cuộc đời Bác là tấm gương phấn đấu cho sự đoàn kết vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, dân giàu, nước mạnh. Theo Bác, cách mạng Việt Nam là sự nghiệp của toàn dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Để đạt được mục tiêu cuối cùng, Đảng phải tuyên truyền, giáo dục, vận động, giúp đỡ toàn dân đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất, không để sót một lực lượng, một cá nhân yêu nước nào đứng ngoài đoàn thể nhân dân trong Mặt trận. Trong tư tưởng của Bác, nguyên tắc quan trọng nhất, bất di bất dịch khi thực hiện đại đoàn kết là nguyên tắc bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của toàn dân Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ năm 1925, khi “Đường Cách Mệnh” bắt đầu được truyền bá về Việt Nam, nhất là từ năm 1941, khi Hội Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Mặt trận Việt Minh được thành lập đến nay đã thể hiện tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh.

Có thể thấy tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa, phát triển truyền thống của dân tộc Việt Nam, đồng thời là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của dân tộc, của cách mạng Việt Nam, nâng truyền thống đoàn kết của cộng đồng dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới: có cơ sở, lý luận, nguyên tắc, phương pháp và trở thành đường lối chiến lược của cách mạng nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong hòa bình, độc lập, thống nhất.

Tháng 5/1941, tại Bắc Pó, dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh, Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng đã chủ trương giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Theo mục đích chiến lược đó, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã quyết định thành lập “Việt Nam Độc lâp đồng minh” hay gọi tắt là Việt Minh. Mặt trận Việt Minh tiếp tục kế thừa sự nghiệp đấu tranh anh dũng của các tổ chức và hình thức mặt trận trước đó: Hội Phản đế đồng minh trong những năm 1930 - 1935, Mặt trận dân chủ 1936 - 1939 và sau đó là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương.

Mặt trận Việt Minh là biểu tượng sáng ngời và tập trung tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh và Đảng ta. Với Mặt trận Việt Minh, khối đoàn kết lớn mạnh chưa từng có, trong một thời gian ngắn đã tạo nên bước phát triển mới về chất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khắc phục những hạn chế của các giai đoạn trước, Mặt trận Việt Minh chủ trương “liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, các Đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Với chủ trương như vậy, Hồ Chí Minh và Đảng ta vẫn tăng cường ủng hộ hiệu quả và thiết thực hơn cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Lào và Campuchia.

Đảng và Hồ Chí Minh chủ trương “Việt Nam độc lập đồng minh sẽ lấy ngọn cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu”. Ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh sau này trở thành quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập, cũng là biểu tượng của tinh thần cách mạng và khối đại đoàn kết các giai cấp, tầng lớp trong dân tộc. Chương trình của Việt Minh cũng như toàn bộ hoạt động của mặt trận cũng thể hiện Đảng ta và Hồ Chí Minh đã nhận thức và giải quyết đúng đắn và nhuần nhuyễn một cách tuyệt vời vấn đề dân tộc và giai cấp, phù hợp với một xã hội phong kiến nửa thuộc địa như nước ta. Hồ Chí Minh và Đảng ta không quan điểm trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phải dùng lực lượng, sức mạnh của một giai cấp này để đánh đổ một giai cấp khác mà tập hợp lực lượng tất cả các giai cấp, các tầng lớp tạo thành sức mạnh của cả dân tộc để đánh đổ ách thống trị của bọn đế quốc và tay sai. Ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, ngay từ khi thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc. Nắm vững học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã vận dụng một cách sáng tạo, mạnh bạo và sát với thực tế của đất nước, không máy móc, giáo điều. Hoàn cảnh của đất nước ta không thể đòi xóa bỏ nạn người bóc lột người trước khi dân tộc chưa được giải phóng. Trong Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941), Người khẳng định: “Trong lúc này, nếu như không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”3.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, dân tộc luôn luôn là nhân tố nổi bật. Giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc, không chỉ quyền lợi chung của toàn thế dân tộc mà còn bao hàm giải quyết lợi ích riêng cho từng giai cấp, bộ phận. Trên những vấn đề cơ bản đặc biệt là độc lập, tự do cho dân tộc thì lợi ích giai cấp và dân tộc là thống nhất, không hề có sự đối lập. Làm cách mạng ở một nước thuộc địa trước hết là giải quyết vấn đề dân tộc, tìm ra con đường giải phóng dân tộc phù hợp và có kết quả. Mặt trận Việt Minh ra đời đáp ứng yêu cầu bức thiết đó.

Hồ Chí Minh và Đảng ta thông qua Mặt trận Việt Minh không chỉ đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các tầng lớp mà điểm nổi bật còn đoàn kết được các dân tộc đa và thiểu số, đoàn kết được tất cả các tôn giáo. Trong một quốc gia nhiều dân tộc, đoàn kết được dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số thành lực lượng chung trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng có ý nghĩa rất quan trọng. Từ rất sớm các dân tộc thiểu số đã đi theo ngọn cờ hiệu triệu của Hồ Chí Minh, của Mặt trận Việt Minh và luôn luôn là lực lượng thủy chung với cách mạng. Đoàn kết keo sơn các dân tộc, các tôn giáo trong Mặt trận Việt Minh là một thành công và là nét đặc sắc trong tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh. Không có khối đoàn kết ấy thì không thế nào có thắng lợi của Cách mạng tháng Tám cũng như thắng lợi ở các giai đoạn tiếp theo.

Sức mạnh của Việt Minh không chỉ ở khối đoàn kết khổng lồ của cả dân tộc mà còn biểu hiện ở sự thống nhất vững chắc về tổ chức. Mặt trận Việt Minh cũng như các đoàn thể cứu quốc thành viên của nó được cũng cố chặt chẽ. Mặt trận Việt Minh có chương trình và điều lệ rõ ràng và chặt chẽ. Việc liên hiệp các đoàn thể cứu quốc trong Việt Minh trước hết là sự thống nhất lực lượng để giành độc lập cho dân tộc, cho nên tuyệt đối không được “tranh giành quần chúng” để tránh dẫn tới phân biệt và chia rẽ về tổ chức. Đây cũng là nét đặc sắc nữa của Mặt trận Việt Minh cũng như của toàn bộ quá trình cách mạng Việt Nam.

Với tổ chức Việt Minh rộng khắp ở cơ sở, đường lối cứu nước của Đảng đã nhanh chóng đi vào phong trào quần chúng cả ở nông thôn và thành thị. Đảng và Hồ Chí Minh cho rằng cách mạng Việt Nam lúc đó có thế kết thúc thắng lợi bằng “một cuộc khởi nghĩa vũ trang”. Muốn khởi nghĩa vũ trang thắng lợi, một trong những điều kiện hàng đầu là “mặt trận cứu quốc đã thống nhất được toàn quốc”. Trên thực tế các tổ chức Việt Minh là công cụ chủ yếu chỉ đạo các cuộc đấu tranh của quần chúng cách mạng từ lẻ tẻ đến cao trào rộng lớn.

Tư tưởng đoàn kết giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh, đường lối của Hội nghị trung ương lần thứ 8, chương trình Việt Minh thể hiện sự thống nhất cao độ trong ý chí và hành động của Đảng, dân tộc. Sức mạnh của sự thống nhất đó quyết định thắng lợi của công cuộc giải phóng. Sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc cũng quyết định khả năng tự bảo vệ dân tộc, thành quả cách mạng từ sau Cách mạng tháng Tám cũng như sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước hiện nay.

Đăng bởi: Lê Quang Phương

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG SỰ LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC, TÔN GIÁO CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH_TranSung

NHỮNG GAM MÀU ĐẬM, NHẠT CỦA CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” CHỐNG PHÁ VIỆT NAM_TranSung