Tam quyền phân lập – Cái bánh vẽ của Trung Nguyễn_TranSung
Gần đây, trên mạng xã hội, các thế lực thù địch đang ráo riết đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc, bóp méo sự thật về kết quả xét xử các vụ đại án ở Việt Nam, hòng thực hiện âm mưu tán dương cho cái gọi là “Tam quyền phân lập”, thực chất là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước. Đó là một chiêu trò chính trị cũ mèm nhưng vô cùng thâm độc của bọn phản động, kẻ sốt sắng nhất trong chuyện này là Trung Nguyễn, với bài viết: “Những kẻ thực thi pháp luật lại là những kẻ chà đạp lên luật pháp”.
Đọc qua bài viết, có thể tưởng là 4 “xây dựng”, nhưng đọc kỹ mới thấy, đó chỉ là cái bánh vẽ, cái bẫy, khiến những ai nhẹ dạ cả tin có thể mắc mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thông qua blog Nhanvanviet.com, xin bóc mẽ chiêu trò phản động của Trung Nguyễn.
Thứ nhất, Trung Nguyễn đã cố ý cơ giới hóa thuyết “Tam quyền phân lập” – nền tảng của học thuyết phân quyền tư sản
Tư tưởng phân quyền hình thành rất sớm trong lịch sử nhân loại, nó có từ thời cổ đại ở phương Tây và phát triển mạnh nhất khi nhà nước tư sản ra đời, với nội dung chính là: Trong bất kỳ nhà nước nào cũng cần phải có cách thức tổ chức để thực thi quyền lực đã được nhân dân ủy quyền cho. Nhà nước tư sản với bản chất là nhà nước của giai cấp tư sản, ở đó dân chủ thuộc về thiểu số là giai cấp tư sản, nên các nhà nước tư sản thường tổ chức cơ chế thực thi quyền lực theo thuyết tam quyền phân lập. Từ thế kỷ XVII – XVIII, trong cao trào chống chế độ quân chủ ở Tây Âu, Montesquieu (Pháp) phát triển toàn diện học thuyết tam phân quyền phân lập. Từ việc lột tả, phê phán bản chất của chế độ quân chủ chuyên chế là lạm quyền, ông cho rằng, khi quyền lực tập trung vào một mối, một người hay một tổ chức thì nguy cơ chuyên chế là không tránh khỏi. Những tưởng có thể “chống lại” chế độ chuyên chế, “thanh toán” được nạn lạm quyền, ông đề xuất tư tưởng: tổ chức quyền lực nhà nước theo phương thức phân tách quyền lực; quyền lực tối thượng phải được phân chia thành ba hình thái: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nội dung cốt lõi của tư tưởng đó là: trong một nhà nước các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp là hoàn toàn biệt lập nhau; độc lập với nhau; mỗi cơ quan đại diện quốc gia chỉ thi hành một nhiệm vụ, một quyền hạn và chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn ấy mà thôi; phải có sự độc lập giữa các cơ quan, một cơ chế kiểm soát quyền lực, v.v.
Thuyết phân quyền ảnh hưởng sâu sắc, làm cho những quan niệm về tổ chức nhà nước và thực tiễn tổ chức nhà nước tư sản mang nặng tính chất cơ giới. Khởi đầu của sự ảnh hưởng đó là thuyết cơ giới mới của Galilé, với chủ kiến: nguyên nhân của mọi chuyển động là do các lực tác động. Từ đó, tư duy cơ giới đã ảnh hưởng, lan tỏa sang cả khoa học xã hội. Đối tượng nào cũng được xem như một “cỗ máy”, vận hành theo nguyên tắc cơ giới, kể cả bộ máy nhà nước. Ưu điểm của cách tiếp cận này chỉ giúp thấy được chi tiết cấu trúc, thành phần của các đối tượng, hỗ trợ chuyển nền văn minh từ nông nghiệp sang công nghiệp… Đến đầu thế kỷ XX, chính người phương Tây, tiêu biểu là nhà tư tưởng nổi tiếng Edgar Morin (Pháp) đã kịch liệt phê phán tư duy đó. Bởi nó là “tư duy manh mún, vụn mảnh”, là: một thứ tư duy định hướng vào việc phân cách thành từng ô, chia nhỏ ra và cô lập; cần phải khắc phục nó bằng tư duy hệ thống.
Thứ hai, Trung Nguyễn và các thế lực thù địch dù cố mơ ước “Tam quyền phân lập” theo mô hình nhà nước tư sản sẽ hiện hữu ở Việt Nam, song lịch sử đã chứng minh mô hình đó hoàn toàn không phù hợp với đất nước này.
Ở Việt Nam, việc xem xét các vấn đề xã hội bằng tư duy nêu trên cũng đã bị phê phán là phương thức: bộ phận đi đến toàn thể, trên nguyên lý: bộ phận quyết định toàn thể, toàn thể là do các bộ phận ghép lại mà thành, toàn thể chỉ là tổng số của các bộ phận… Thực tế ở Việt Nam cho thấy, sẽ là không thích hợp khi mở rộng tư duy cơ giới từ lĩnh vực tự nhiên sang lĩnh vực xã hội. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bản chất là nhà nước dân chủ của dân, do dân, vì dân, ở đó mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Cơ chế tổ chức quyền lực là: quyền lực nhà nước là tập trung thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là cơ chế tổ chức thực thi quyền lực hoàn toàn phù hợp với hiện thực của đất nước, bảo đảm cho mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân.
Suốt chiều dài dựng nước và giữ nước, lịch sử dân tộc đã chứng minh: Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình. Hòa bình là biểu tượng cao nhất, thể hiện nét bản sắc truyền thống dân tộc. Lịch sử truyền thống chính trị các vương triều Việt Nam đã in đậm: Tập quyền và thống nhất là khuynh hướng chung của các nhà nước phong kiến Việt Nam. Quyền lực nhà nước phong kiến về cơ bản tồn tại trong thế cân bằng, hòa hoãn và thống nhất. Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc: quyền lực tập trung ở nơi vua, chính quyền trung ương đến địa phương thực thi công vụ theo phép vua.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, các bản Hiến pháp của Việt Nam (từ năm 1946 đến nay) đã kế thừa tinh hoa hiến pháp của nhân loại và truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc để cho ra đời Hiến pháp 2013, với hình thức “phân quyền” giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, thể hiện trong các chương: V, VI, VII, VIII. Song, nội dung “phân quyền” thì hoàn toàn khác hẳn về chất so với phân quyền của các nước tư sản. Tất cả quyền lực nhà nước thể hiện trong Hiến pháp đều có mẫu số chung là nhân dân. Từ nhân dân bầu ra, lập nên, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân”, đồng thời là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Quyền lực nhà nước là thống nhất. Đây là sự tiến bộ vượt trội của Hiến pháp Việt Nam; phản ánh xu thế thời đại, trình độ phát triển cao hơn hẳn của lập hiến Việt Nam – lập hiến của nhân dân, hiến định quyền lực nhà nước tập trung ở nền tảng xã hội là liên minh “giai cấp công nhân – nông dân và đội ngũ trí thức”. Sự thống nhất ở chỗ mọi quyền lực đều tập trung ở nơi dân, phân công quyền hạn là do dân. Nhân dân tập trung quyền lực nhà nước trong tay mình, phân công theo một mối duy nhất là Quốc hội. Bắt đầu từ Quốc hội, nhân dân phân công cho các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Mục tiêu cuối cùng của thống nhất quyền lực nhà nước của Nhà nước Việt Nam là phục vụ nhân dân. Đây, là tính ưu việt tuyệt đối của Hiến pháp Việt Nam do thiết chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan quyền lực đem lại. Hiến pháp cấu trúc cả một chương “Chế độ chính trị”. Tại đây, bất cứ một điều nào cũng phản ánh đầy đủ, đúng nghĩa “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Từ Nhà nước, Đảng cho đến Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội… với chức năng, quyền hạn, mối quan hệ chính trị, xã hội, pháp lý của mình đều nằm trong nội hàm nhân dân, hướng tâm phục vụ nhân dân; thực hiện “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” chứ không phải để phân tách, phân rã quyền lực của nhân dân như các thiết chế “Tam quyền phân lập” của các nhà nước tư sản.
Tư duy cơ giới là nền tảng của hiến pháp tư sản; “Tam quyền phân lập” là thủ đoạn chính trị lừa gạt nhân dân của giai cấp tư sản; bản chất của phân quyền tư sản là thâu tóm quyền lực vào tay giai cấp tư sản. Bản chất quyền lực nhà nước ta là thống nhất, trên cơ sở phân công, phối hợp, kiểm soát việc thực hiện quyền lực của các cơ quan nhà nước. Hiến pháp Việt Nam là sự kế thừa có chọn lọc những giá trị truyền thống lập pháp, lập hiến của dân tộc, nhân loại và thời đại. Từ tinh thần, nội dung đến các nguyên tắc lập hiến đều của người Việt Nam, do người Việt Nam định đoạt, không chịu sự can thiệp, áp đặt bởi những triết lý lập hiến nào từ bên ngoài. Bởi vậy, “Tam quyền phân lập” là không phù hợp với thể chế chính trị và thực tiễn lịch sử Việt Nam.
Như vậy, cái bánh vẽ, cái bẫy, khiến những ai nhẹ dạ cả tin, có thể mặc mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Trung Nguyễn vẽ ra là hoàn toàn phiến diện, chủ quan, phi lịch sử. Chúng ta (những người Việt Nam yêu nước) không bao giờ chấp nhận chiêu trò đó, trái lại luôn tin theo Đảng, đồng thời, cần tỉnh táo trước mọi âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò thâm độc của các thế lực thù địch phản động, để luôn đoàn kết, chung tay xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ Nghĩa yêu quý của chúng ta./.
Nhận xét
Đăng nhận xét