NHỚ LỜI BÁC HỒ DẠY:" VUI XUÂN KHÔNG QUÊN NHIỆM VỤ"_TranSung


Trong suốt cuộc đời mình, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Bác Hồ luôn mong muốn người dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong 24 năm làm Chủ tịch nước, năm nào Bác cũng chuẩn bị thơ và thư chúc tết nhân dân. Bác cũng nhiều lần đi thăm, chúc tết các xí nghiệp, công xưởng, nhà máy và không quên dặn dò mọi người vui Xuân không sa đà, lãng phí, không quên nhiệm vụ.
Những năm 1960, trong hoàn cảnh đất nước bị chia làm 2 miền, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội vững mạnh tạo cơ sở nhằm tiếp tục chi viện cho miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Nhân dân miền Bắc tạm thời được sống trong những ngày hòa bình sau mấy chục năm dưới ách đô hộ. Sợ tâm lý chủ quan, xả hơi, sẽ không tiếp tục được sự nghiệp đầy gian nan thử thách phía trước, đi đâu, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức cũng như các địa phương quan tâm chuẩn bị tết cho nhân dân chu đáo, không để ai bị đói, bị rét trong những ngày đầu năm; nhắc nhở người dân ăn tết chừng mực, vui Xuân trong ngày đầu năm phải nghĩ đến công việc của cả năm.
Trong bài “Mùa Xuân quyết thắng” trên Báo Nhân Dân số 2147 ngày 3/2/1960 với bút danh Trần Lực, Bác viết: “Tục ngữ có câu: “Suốt năm kế hoạch, định từ mùa Xuân”. Thật đúng như vậy. Mùa Xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui. Cho nên ngay từ đầu mùa Xuân mọi công việc làm được tốt, thì cả năm sẽ phát triển tốt và kết quả tốt”1.
Bác nói như vậy không phải duy tâm, mà xuất phát từ thực tiễn hoạt động cách mạng. Trước mỗi công việc, sự kiện lớn, Bác đều có kế hoạch, có tính toán từ trước. Những tính toán, dự cảm của Bác không chỉ trước một năm, mà thậm chí còn từ nhiều năm. Và Bác nhận thấy, nếu có niềm tin vững chắc, trong không khí vui vẻ phấn khởi, thì mọi việc sẽ càng thuận lợi hanh thông. Do đó Bác mong muốn mọi người cùng chung sức chung lòng, có kế hoạch chu đáo và thực hiện kế hoạch thành công.
Trong bài ''Mừng xuân vĩ đại” đăng trên Báo Nhân Dân số 2141 ngày 27/1/1960, Bác viết: “Xưa kia, người ta chỉ mừng Xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình. Ngày nay chúng ta mừng Xuân rộng rãi, từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế giới”. Tuy nhiên, Người cũng lưu ý, mừng Xuân rộng rãi không phải là ăn chơi ngày rộng tháng dài, mừng Xuân là trong lòng phấn khởi trước một mùa xuân mới, một niềm hy vọng mới, một sự cố gắng phấn đấu mới. Người căn dặn mỗi người dân cần tiết kiệm, chống lãng phí trong những ngày đón Xuân “Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ, tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí. Chúng ta ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, để Xuân sau thắng lợi hơn xuân này”2. Tinh thần này của Bác vừa thể hiện sự trân trọng đối với cái tết truyền thống của dân tộc, vừa đề cao giá trị lao động của bàn tay, khối óc.
Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nạn nghèo đói vẫn thường xuyên diễn ra, cuộc kháng chiến chống ngoại xâm còn trường kỳ, Bác luôn mong muốn mỗi người có ý thức xây dựng đất nước, xây dựng cuộc sống mới. Đó không chỉ là quyền lợi, mà còn là nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam. Trên Báo Nhân Dân số 2132, ngày 18/1/1960, trong bài “Mừng Tết Nguyên đán thế nào?” Bác viết: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày Nguyên Đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân. Nên nhớ rằng chúng ta phải cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không nên vì một cớ gì mà quên nhiệm vụ ấy”3.
Nhìn thấy những lãng phí, xa hoa, bác vô cùng buồn bởi đất nước còn nghèo, người dân ở nhiều nơi còn đang đói rét. Nhiệm vụ của mỗi người dân là cần kiệm để xây dựng nước nhà, và không ai được phép quên nhiệm vụ ấy. Người cũng chỉ ra những việc đáng chê trách khi phát hiện có những nơi để xảy ra tình trạng lãng phí. Trong một lần đến thăm đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tại cuộc nói chuyện với các đại biểu nhân dân ngày 13/6/1957, Bác nhắc: “Chúng ta làm việc suốt năm, vui ngày Tết là xứng đáng, nhưng vui một cách lành mạnh thì nên vui”. Bác thẳng thắn chỉ ra: “Tết vừa qua ta đã lãng phí nhiều, ví dụ: Ngày Tết giết thịt bừa bãi, rồi không có trâu bò mà cày, như huyện Hoằng Hóa trong 3 tháng giết tới 340 con trâu bò, thế thì còn lấy gì mà tăng gia nữa? Tôi mong các cụ các bà chống lãng phí, vì lãng phí chỉ có hại cho dân, cho nước, cho nhà, vì nó đưa đến phong tục hủ bại, rượu chè, hút xách...”.
Bác khuyên trong những ngày Tết, không nên chơi bời quá độ mà phải có chừng độ. “Chơi quá độ, bừa bãi không nên. Nếu chơi nhiều thì không tăng gia sản xuất, học tập được. Ta có câu “Lạc bất khả cực, lạc cực sinh ai”. Nghĩa là “Vui không nên quá mức, vui quá mức đi đến cái buồn”4.
Còn trong tác phẩm Mừng Tết nguyên đán thế nào? Bác lấy ví dụ về một địa phương gây lãng phí để khuyên nhủ nhân dân phải tiết kiệm, chống lãng phí. Bác viết: “Vừa rồi, vì được mùa to 20 xã ở huyện Yên Thành (Nghệ An) đã liên hoan hết 123 con lợn, 8 con bò, 3 con bê; đó là chưa kể số tiền chi tiêu vào muối, gạo, rượu, chè. Cũng chưa kể những ngày lao động của bà con 20 xã đã mất toi! Lãng phí tiền của và công sức là như vậy, là lỗi tại ai? Lỗi tại cán bộ huyện, cán bộ xã, lỗi tại đảng viên và chi bộ''5. Và Bác đã viết mấy câu thơ vừa giản dị, vừa sâu sắc:
''Mừng Xuân mừng cả thế gian
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”6.
Đã 49 mùa xuân từ ngày Bác đi xa, nhưng những lời dạy của Bác dường như chưa bao giờ cũ. Những căn dặn, nhắc nhở của Bác vẫn luôn mang tính thời sự, là bài học cho cả hôm qua, hôm nay và mai sau. Trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn đâu đây những hiện tượng xa hoa, lãng phí, vẫn có những cán bộ làm nhà như cung điện, vẫn còn tình trạng địa phương chúc tết trung ương, cấp dưới chúc tết cấp trên, doanh nghiệp lấy danh nghĩa “chúc tết” lãnh đạo để biếu xén. Những món quà tết là những chai rượu, hộp bánh tiền triệu, những phong bì “nho nhỏ” nhưng giá trị lên đến hàng nghìn, chục nghìn đô la… từ tiền thuế của người dân khiến công cuộc chống tham nhũng, lãng phí tiến chậm lại. Tuy nhiên, đó chỉ là những con sâu bỏ rầu nồi canh.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà cả cuộc đời Bác phấn đấu vẫn được Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta tiếp nối. Giờ đây, cuộc sống đã ấm no, đủ đầy, nhưng tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn được Đảng ta phát động và duy trì. Cả nước đón Xuân về, dân tộc ta nguyện mãi mãi sẽ không quên và thực hiện bằng được lời căn dặn của Bác “Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG SỰ LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC, TÔN GIÁO CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH_TranSung

NHỮNG GAM MÀU ĐẬM, NHẠT CỦA CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” CHỐNG PHÁ VIỆT NAM_TranSung

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG MẶT TRẬN VIỆT MINH - NHÂN TỐ CƠ BẢN TẠO NÊN SỨC MẠNH CHÍNH TRỊ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM