BẢN TUYÊN NGÔN CỦA NHỮNG NGƯỜI CỘNG SẢN_TranSung
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là một trong những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Những nguyên lý mà C. Mác và Ph. Ăng- ghen trình bày trong tác phẩm là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; đồng thời, là ngọn đuốc soi sáng con đường cách mạng Việt Nam.
Cách đây 170 năm, ngày 24-02-1848, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (sau đây gọi tắt là Tuyên ngôn) ra đời, đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của chủ nghĩa Mác, tạo tiền đề đưa chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học, hiện thực.
Trong tác phẩm, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã luận giải khoa học, thuyết phục về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự tất yếu thành công của chủ nghĩa xã hội. Đó là quy luật phát triển khách quan của xã hội loài người. Tuyên ngôn khẳng định: trong xã hội hiện đại, chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp cách mạng nhất, kiên quyết và triệt để nhất, có khả năng lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chế độ cộng sản chủ nghĩa; sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân phải là sự nghiệp đấu tranh lâu dài của chính giai cấp đó. Trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng, giai cấp công nhân tất yếu phải lập ra chính đảng của mình để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đồng thời, chỉ ra mục tiêu, phương pháp và lực lượng tiến hành cách mạng; khẳng định giai cấp công nhân là người duy nhất có khả năng lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Theo V.I. Lê-nin: “Tác phẩm này trình bày một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để - chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội - phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò của cách mạng - trong lịch sử toàn thế giới - của giai cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo ra một xã hội mới, xã hội cộng sản”1.
Dưới ánh sáng tư tưởng cách mạng bất hủ trong Tuyên ngôn nói riêng và chủ nghĩa Mác – Lê-nin nói chung, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm xác định đúng đắn con đường cách mạng giải phóng dân tộc và những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam là đi theo cách mạng vô sản, con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga; đồng thời, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự thành lập đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Đầu năm 1930, tại Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản để lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ vắn tắt của Đảng khẳng định: “TÔN CHỈ: Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”2. Chánh cương vắn tắt của Đảng đã xác định phương hướng, mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam: “… chủ trương làm tư sản dân quyền c.m3 và thổ địa c.m để đi tới xã hội cộng sản”4. Trung thành với những tư tưởng trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Hồ Chí Minh đã khẳng định con đường giải phóng dân tộc: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”5.
Từ những tư tưởng vạch thời đại và nguyên lý cách mạng trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam, trở thành ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp, đem lại những thắng lợi to lớn cho cách mạng Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người gần 90 năm qua.
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945) và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975), xuất phát từ thực tiễn và hoàn cảnh cụ thể Việt Nam, Đảng đã trung thành, vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Tuyên ngôn, kịp thời đề ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp nên đã huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Tiếp đó, thực hiện thắng lợi cuộc trường chinh 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng và đưa miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời, tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, hướng tới thống nhất nước nhà. Sau 21 năm chiến đấu kiên cường, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, được soi sáng bởi tư tưởng sáng ngời trong Tuyên ngôn, dân tộc Việt Nam đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất hai miền Nam - Bắc và bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trước vô vàn khó khăn do hậu quả 30 năm chiến tranh, Việt Nam đã xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa từ một nền sản xuất nhỏ, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. “Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan”6. Trong công cuộc xây dựng, cải tạo xã hội thời điểm này, chúng ta đã không nhận thức đầy đủ những chỉ dẫn của C. Mác và Ph. Ăng-ghen trong Tuyên ngôn; không xem xét luận điểm: “ ...những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”7 trong một chỉnh thể thống nhất; đồng nhất “xóa bỏ chế độ tư hữu” với “xóa bỏ hình thức sở hữu cá nhân”, “xóa bỏ chế độ tư hữu tư sản”. Về vấn đề này, Tuyên ngôn chỉ rõ: “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”8. Luận điểm về vấn đề sở hữu được nêu trong Tuyên ngôn là nhằm xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản - một chế độ mà từ đó đẻ ra nạn “người bóc lột người”, một chế độ “dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”, chứ tuyệt nhiên không phải là xóa bỏ hình thức sở hữu tư nhân. Do nhận thức chưa đúng, nên chúng ta đã vội vàng xóa bỏ mọi hình thức sở hữu khác và chỉ chấp nhận hai hình thức sở hữu cơ bản là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Sai lầm này đã tạo nên những khó khăn, khiến đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng trầm trọng trong những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX.
Trong hoàn cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã cùng với nhân dân từng bước tìm ra cách thức để vượt qua khó khăn. Đại hội VI (tháng 12- 1986) của Đảng đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử với việc đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, từ đổi mới tư duy đến đổi mới tổ chức cán bộ; từ đổi mới phương pháp lãnh đạo đến phong cách công tác; đồng thời, đổi mới kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, v.v.
Thực hiện công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới về tư duy nhằm loại bỏ những quan niệm sai lầm, khắc phục những nhận thức phiến diện về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, về cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quán triệt tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn là: trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội (cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra) cấu thành cơ sở lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy. Từ đó, xác định vai trò trước hết và trọng tâm của đổi mới, phát triển kinh tế trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin nói chung, những tư tưởng bất hủ trong Tuyên ngôn nói riêng, chúng ta đã ngày càng xác định rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó, có sự phát triển vượt bậc về tư duy kinh tế: từ kế hoạch hóa tập trung chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ xây dựng chế độ sở hữu đơn nhất chuyển sang xây dựng chế độ đa sở hữu bình đẳng, cùng phát triển, xác định công hữu là nền tảng, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Từ Nhà nước độc quyền quản lý, can thiệp trực tiếp vào kinh tế chuyển sang Nhà nước quản lý bằng chính sách, pháp luật, kế hoạch, lực lượng vật chất và một số công cụ khác. Từ phân phối bình quân, cào bằng chuyển sang phân phối theo lao động, kết hợp với các hình thức phân phối khác theo mức độ đóng góp thực tế vào quá trình tạo ra của cải và qua phúc lợi xã hội. Từ tư duy kinh tế khép kín sang tư duy kinh tế mở, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, v.v. Đó là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo những tư tưởng của C. Mác - Ph. Ăng-ghen trong Tuyên ngôn vào thực tiễn Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Cùng với kinh tế, hệ thống chính trị ở nước ta cũng từng bước được đổi mới một cách vững chắc. Xuất phát từ các giá trị về nhà nước và pháp luật trong Tuyên ngôn cùng những giá trị phổ quát của nhân loại về xây dựng nhà nước pháp quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng và từng bước hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật. Mặc dù các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê-nin không trực tiếp dùng thuật ngữ “nhà nước pháp quyền”, nhưng những tư tưởng cơ bản của nhà nước pháp quyền đã được đề cập một cách sâu sắc trong Tuyên ngôn. Đó là tư tưởng về xây dựng một nhà nước kiểu mới, hoạt động trên cơ sở pháp luật với một nền pháp chế dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; có trách nhiệm tổ chức cuộc sống chung của nhân dân, bảo đảm sự phát triển tối đa và tạo nên “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do cho tất cả mọi người”9. Đồng thời, nhà nước từ cơ quan “đứng trên xã hội” thành cơ quan “hoàn toàn phục vụ xã hội”. Đây là tư tưởng được vận dụng triệt để trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Một trong những nội dung của Tuyên ngôn đã soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong gần 90 năm kể từ khi có Đảng lãnh đạo là xác lập và xây dựng, củng cố đội tiên phong của giai cấp công nhân có đủ sức mạnh thực hiện thắng lợi mục đích trước mắt: “tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”10 và tiến tới xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Đó chính là quá trình không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà vấn đề quan trọng hàng đầu là kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, tiên tiến, kiên trung, như C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã chỉ rõ trong Tuyên ngôn là: “phải làm cho những người cộng sản khác quần chúng nhân dân ở chỗ phải gương mẫu trong thực tiễn và phải tiên tiến về lý luận11. Đây là định hướng hết sức quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên - vấn đề then chốt trong nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng ở Việt Nam hiện nay, “với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”12.
Trải qua 170 năm tồn tại và tỏa sáng, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là “khúc ca tuyệt tác của chủ nghĩa Mác”, là cương lĩnh “có đầy đủ chi tiết, vừa về mặt lý luận, vừa về mặt thực tiễn”13 của giai cấp công nhân toàn thế giới và chính đảng của nó. Sự ra đời của tác phẩm này không chỉ đánh dấu một bước tiến trong khoa học lịch sử, mà còn mở ra một giai đoạn mới về chất trong lịch sử phát triển tri thức của nhân loại. Tuyên ngôn với những giá trị lý luận bất hủ mang tính cương lĩnh đã và vẫn tiếp tục định hướng đúng đắn cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam đi tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhận xét
Đăng nhận xét