KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VIẾT TÁC PHẨM “ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG”_TranSung


Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vỹ đại, Người đã để lại một di sản đồ sộ về đạo đức cách mạng, trong đó có tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, ký bút danh Trần lực, đăng lần đầu tiên trên Tạp chí Học Tập (nay là Tạp chí Cộng Sản), số 12, năm 1958, đến nay tròn 60 năm nhưng tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị to lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Sau hiệp định Gieneve, miền Bắc được giải phóng, còn cuộc đấu tranh giải phóng miền nam thống nhất đất nước vẫn tiếp tục. Trong những năm miền Bắc khôi phục kinh tế, bước đầu cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, tâm trạng thời bình, biểu hiện suy thoái và chủ nghĩa cá nhân của cán bộ, đảng viên không còn là hiện tượng đơn lẻ, mà là căn bệnh, trở thành nguy cơ của đảng cầm quyền.
Sớm tiên liệu được tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, khẳng định vai trò, đồng thời chỉ rõ kẻ thù, nguy cơ của đạo đức cách mạng, cũng như các biện pháp để ngăn ngừa, sửa chữa căn bệnh đó. Người chỉ rõ “làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới là một sự nghiệp cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, vẻ vang, nhưng nó là một cuộc đấu tranh rất phứt tạp, lâu dài, gian khổ. Vì vậy, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.
Người cũng khẳng định những nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng mà cán bộ, đảng viên cần phải tu dưỡng, rèn luyện mới có được, đó là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng; tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Đó là điều chủ chốt nhất, căn cốt nhất, phải trở thành mục tiêu, lẽ sống của đời và làm nười của mỗi cán bộ, đảng viên. Phải ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lên trên hết, lên trước lợi ích cá nhân. Hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Vì Đảng, vì nhân dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác – lênin, luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng, cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ. Cán bộ, đảng viên phải hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng.
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất…; đồng thời, Người còn tiêu biểu cho một nền đạo đức mới, đạo đức mang tính dân tộc và nhân văn sâu sắc. Trong tư tưởng của Người không thể có một Đảng luôn trong sạch, vững mạnh… nếu không có một đội ngũ cán bộ, đảng viên thấm nhuần tinh thần đạo đức cách mạng sâu sắc.
Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” không chỉ là lời nhắn gửi, là khát vọng của Người về việc rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, đó còn là thông điệp, lý luận của Người về xây dựng một Đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ của Tổ quốc trong tình hình mới.
Từ mong muốn về một đảng cách mạng phải bao gồm những ngừi ưu tú, tài đức vẹn toàn. Theo Người, để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng là danh dự và lương tâm của dân tộc, tất yếu phải tránh được ba nguy cơ tiềm ẩn: Sai lầm về đường lối, sa vào chủ nghĩa cá nhân, tự đánh mất mình và xa rời quần chúng. Đạo đức cách mạng không chỉ là tâm nguyện của Người mà đó còn là một nhiệm vụ, một yêu cầu bức thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, để đảng luôn trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo cách mạng và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Sinh thời, Hồ Chí Minh sống thanh cao, giản dị, không có gì của riêng. Gia đình của Người là Nhân dân, là Đảng, là Tổ quốc. Những điều mà Người huấn thị và thực hiện, được toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tin yêu, làm theo. Người đã đi xa nhưng những lời Người nói, những việc Người làm, những tâm huyết và chỉ dẫn quý báu của Người gửi gắm trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” 60 năm trước vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn và mang tính thời sự sâu sắc.
Ôn lại, học tập và làm theo di huấn của Người, mỗi chúng ta càng thêm thấm sâu lười dạy của Người: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời xa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bề bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG SỰ LỢI DỤNG VẤN ĐỀ DÂN TỘC, TÔN GIÁO CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH_TranSung

NHỮNG GAM MÀU ĐẬM, NHẠT CỦA CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH” CHỐNG PHÁ VIỆT NAM_TranSung

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC TRONG MẶT TRẬN VIỆT MINH - NHÂN TỐ CƠ BẢN TẠO NÊN SỨC MẠNH CHÍNH TRỊ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM